Tại sao Marilyn Monroe vẫn ám ảnh khán giả?
Marilyn Monroe cùng nhà viết kịch Arthur Miller năm 1957 (trên) và cảnh trong phim Blonde - Ảnh: Sam Shaw/ IMDb
Dù đã có khá nhiều bộ phim tiểu sử và tài liệu về Marilyn Monroe, nhưng dường như chưa có một bộ phim nào chạm được vào con người của Marilyn Monroe, ở cả khía cạnh sức quyến rũ huyền bí, vẻ phù phiếm và cả sự tổn thương với cuộc đời riêng nhiều cay đắng của biểu tượng tình dục thế kỷ 20 này.
Blonde với góc nhìn có thể gây tranh cãi
Thế nhưng, trong bộ phim Blonde sắp ra mắt, chân dung của Marilyn Monroe hứa hẹn sẽ mang lại nhiều góc nhìn có thể gây tranh cãi. Bộ phim dài gần 3 tiếng đồng hồ, sẽ tranh giải Sư tử vàng tại LHP Venice vào đầu tháng 9, trước khi được phát trực tuyến vào cuối tháng 9 và được xếp hạng chính thức là NC-17, tức có nhiều cảnh nhạy cảm.
Điều khán giả quan tâm nhiều nhất là Blonde sẽ là một bộ phim tiểu sử hay là một tác phẩm hư cấu về Marilyn Monroe? Joyce Carol Oates - nữ nhà văn Mỹ lừng danh nhiều năm liền có tên trong danh sách dự đoán thắng giải Nobel văn chương và là tác giả của cuốn sách bán chạy cùng tên dài tới 700 trang thì cho rằng cuốn tiểu thuyết của bà là hư cấu.
Trong cuốn tiểu thuyết của mình, nhà văn cũng tập trung vào ý tưởng gây tranh cãi khi cho rằng cái chết của Monroe là do ám sát.
Lý giải về sự quyến rũ mê hoặc nhưng bạc mệnh của huyền thoại tóc vàng, nữ nhà văn cho rằng Monroe cũng giống như nhân vật Emma Bovary trong cuốn tiểu thuyết kinh điển của Gustave Flaubert, đặc biệt là sự mơ mộng lãng mạn và cái nhìn không thực tế về tình yêu của hai người đàn bà xinh đẹp, đều dẫn đến thảm kịch cho cuộc đời của họ.
Bộ phim cùng tên của đạo diễn Andrew Dominik và nhà sản xuất Brad Pitt (thông qua Công ty Plan B của anh) gần như trung thành với cuốn tiểu thuyết gốc của Oates, với tham vọng xây dựng một bộ phim hư cấu với cái nhìn thấu cảm về cuộc đời của Monroe, bắt đầu từ mối quan hệ bất hạnh của cô với cha mình thời thơ ấu và kết thúc với cái chết gây chấn động của cô.
Marilyn Monroe (trái) và Ana de Armas - Ảnh: NF
Chạm vào nỗi đau và bi kịch cá nhân
Bộ phim, cũng có thể mở đầu như cuốn tiểu thuyết, với hình ảnh của cô gái mới lớn Norma Jean Baker (tên thật của Marilyn Monroe) chiến thắng trong một cuộc thi sắc đẹp ở California vào năm 1941, lúc cô mới 15 tuổi.
Để rồi từ đó, cô bắt đầu dấn sâu vào thế giới phù hoa, đặc biệt là kinh đô điện ảnh Hollywood và mối quan hệ luyến ái phức tạp với những gã đàn ông tài hoa hoặc quyền lực.
Tương tự như cuốn tiểu thuyết gốc, bộ phim chuyển thể của Dominik không đưa ra tên thật của những người đàn ông từng có mối quan hệ tình ái với Monroe, thay vào đó chỉ nêu nghề nghiệp hay chức danh của họ, ví dụ như "cựu vận động viên" (ngầm nói đến cầu thủ bóng chày vĩ đại Joe DiMaggio, do Bobby Cannavale đóng), "nhà viết kịch" (tức Arthur Miller, do Adrien Brody đóng) và "tổng thống" (tức F. John Kennedy, do Caspar Phillipson đóng).
Linh hồn của bộ phim này, dĩ nhiên hoàn toàn phụ thuộc vào sự hóa thân, ở cả ngoại hình và khả năng diễn xuất của Ana de Armas, cô đào người Cuba, đang nổi lên gần đây ở Hollywood.
Dù đã xuất hiện trong nhiều phim lớn như đóng Bond girl cạnh Daniel Craig trong No time to die (2021) hay vai một nữ điệp viên khác cạnh Ryan Gosling trong The gray man, bộ phim có kinh phí hơn 200 triệu USD mới đây trên Netflix, tài năng của Ana de Armas vẫn chưa được chứng thực.
Thế nhưng, ngay từ khi những hình ảnh đầu tiên của cô trong vai Marilyn Monroe được tiết lộ qua đoạn trailer của bộ phim, giới phê bình phim cho rằng cô là một lựa chọn hoàn hảo cho biểu tượng tóc vàng, ở cả dung mạo lẫn diễn xuất.
Một số chuyên gia điện ảnh đã dự đoán Ana de Armas là ứng cử viên đầu tiên cho hạng mục đề cử Oscar Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất năm 2023.
Bộ phim cố gắng để xây dựng không chỉ một Marilyn Monroe "chỉ tồn tại trên màn ảnh chứ không có thực ngoài đời".
Bởi khi thoát khỏi màn ảnh hào nhoáng để trở về với đời thường, Norma Jean cũng như bao người phụ nữ khác, cũng đối mặt với những vụn vỡ trong cuộc sống riêng tư, đặc biệt là những cuộc hôn nhân không hạnh phúc và những nỗi đau chôn giấu vào lòng.
Trong đó, mối tình lãng mạn nồng nhiệt giữa Norma Jean với nhà viết kịch hàng đầu nước Mỹ Arthur Miller (qua diễn xuất của Adrien Brody) được quan tâm hơn cả.
Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này lại không hạnh phúc và kết thúc trong nước mắt. Đó cũng có thể là nguyên nhân khiến Norma Jean chìm sâu vào trầm cảm trong giai đoạn cuối đời, dẫn đến cái chết bi thảm của cô.
Đạo diễn Andrew Dominik quan tâm đến sự mong manh và bất ổn cũng như khía cạnh con người của Marilyn Monroe khi bị cuốn vào một guồng máy của ngành công nghiệp giải trí. Hollywood biến cô thành biểu tượng, thành huyền thoại, nhưng bất chấp cảm xúc hay nỗi đau cá nhân của cô.
Vị đạo diễn này cho rằng đây là bộ phim khiến anh hài lòng nhất trong sự nghiệp điện ảnh của mình đến nay, bởi nó chạm vào được nỗi đau và bi kịch cá nhân của một con người bị sự phù hoa của Hollywood che lấp.
Hay nói cách khác, như đoạn thoại trong trailer: Marilyn Monroe chỉ tồn tại trên màn ảnh mà thôi!
Có lẽ đó cũng là nguyên nhân khiến huyền thoại tóc vàng này vẫn ám ảnh khán giả đến vậy.
"Tôi muốn kể khía cạnh con người"
Ana de Armas đã vượt qua vòng tuyển lựa cực kỳ khắt khe và phải tập trung vào dự án này trong suốt một năm trời.
"Tôi đọc đi đọc lại tiểu thuyết của Joyce Carol Oates, nghiên cứu hàng trăm bức hình, video, bản ghi âm và các bộ phim mà Monroe đã đóng, nói chung bất cứ thứ gì về cô ấy mà chúng tôi tìm thấy. Tôi muốn kể khía cạnh con người trong cuộc đời của Monroe.
Và trước mỗi hình ảnh mang tính biểu tượng của cô ấy, tôi luôn tự hỏi - Norma Jean cảm thấy gì trong hoàn cảnh này? Sự nổi tiếng là thứ khiến Monroe trở thành nhân vật được quan tâm nhất trên thế giới, nhưng điều đó cũng khiến Norma Jean trở nên vô hình nhất" - Ana de Armas nói.
No comments