Học giả An Chi qua đời ở tuổi 88
Học giả An Chi (1935–2022) tên thật Võ Thiện Hoa, đồng thời có các bút danh Huệ Thiên, Huyện Thê, Viễn Thọ. Từ năm 1950 đến năm 1955, ông theo học tại trường Chasseloup-Laubat (nay là trường Trung học phổ thông Lê Quý Đôn) với tên Pháp là Emile Pierre Lucatos. Sau Hiệp định Genève, tuy là học sinh kháng chiến không thuộc diện được đi tập kết, ông đã quyết định vượt tuyến bay ra Hải Phòng vào tháng 5/1955, trước thời hạn chấm dứt hiệp định 300 ngày.
Vào thời kỳ đầu ở miền Bắc, ông tham gia lực lượng thanh niên xung phong xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai và Nhà máy chè Phú Thọ, rồi học Trường Sư phạm trung cấp Trung ương (1956–1959), ra trường về dạy học cấp 2 tại Thái Bình (1959–1965). Trong thời gian này, ông bắt đầu có hứng thú và mày mò tự học. Từ năm 1966 đến năm 1975, ông trải qua nhiều công việc khác nhau như làm tạp vụ nhà ăn, thợ nguội, thợ tiện, phụ trách thư viện Trường Học sinh miền Nam số 8 ở Tam Đảo, học chính trị tại Trường 20-7 của Bộ Nội vụ ở xứ Mường (Hòa Bình)…
Ông là người phụ trách chuyên mục Chuyện Đông chuyện Tây trên tạp chí Kiến thức ngày nay (1990–2007) và là tác giả của nhiều bộ sách nghiên cứu, phê bình từ nguyên có giá trị: Chuyện Đông chuyện Tây, Những tiếng trống qua cửa các nhà sấm, Rong chơi miền chữ nghĩa, Câu chữ Truyện Kiều…
Trong lời tựa cho cuốn Chuyện Đông chuyện Tây, nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo từng viết: ""Dù chỉ có mấy tập Chuyện Đông - Chuyện Tây không thôi thì tôi cũng thấy học được của anh rất nhiều rồi. Vả chăng chính cuộc đời của An Chi cũng đã là một tấm gương sáng chói của ý chí vượt qua mọi nỗi gian truân để đạt đến một đỉnh cao của tri thức".
Nghe tin học giả An Chi qua đời, nhà văn Nguyễn Như Phong bày tỏ lòng thương tiếc. Ông viết: "Vĩnh biệt học giả An Chi, người đã đi về "rong chơi miền chữ nghĩa". Chiều nay, nghe tin bác qua đời, tôi bàng hoàng. Cũng biết là bác ốm đau đã lâu, cũng biết là thời gian cho bác không còn nhiều, và đang định vài ngày nữa vào Sài Gòn thì đến thăm bác và chọn sách bác cho, nhưng bác đi vội quá...
Bác là người lao động cực kỳ nghiêm cẩn, nghiêm tới từng dấu phẩy. Đọc "Chuyện Đông chuyện Tây" hay "Rong chơi miền chữ nghĩa" thực sự là "thú vui tao nhã" (lời của học giả Cao Xuân Hạo). Và cho đên bây giờ, tôi vẫn đọc hai bộ sách này".
Trong khi đó, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn bày tỏ: "Vĩnh biệt học giả An Chi, bỗng nhận ra một khoảng trống mà ông để lại cho môi trường học thuật Việt Nam. Chẳng biết đến khi nào, Việt Nam mới có một nhân vật tự học thành danh tầm cỡ như học giả An Chi".
No comments