K-pop - fastfood âm nhạc không thể làm nhái
1. Mỗi trào lưu hay thời kỳ âm nhạc, như chính mỗi tác phẩm kể từ lúc có được hình hài, đậm đặc bối cảnh và thổ nhưỡng.
Sau nửa thế kỷ ôm trọn rất nhiều trào lưu âm nhạc nảy sinh mạnh mẽ, ảnh hưởng và chồng xếp lấy nhau, hiện nay K-pop dường như đang ở vào thời điểm hoàng kim, cực thịnh, nhưng vận hành bởi một cỗ máy âm nhạc chẳng hề mỹ miều, diêm dúa như hình ảnh bày ra trước công chúng.
Trong sự ưu ái, chuộng chiều những mỹ cảm (hay phức cảm) lòe loẹt, đậm tính dục lấn át ca từ hay thông điệp, khán giả K-pop suốt bốn thế hệ nhóm hát (thế hệ thứ tư bắt đầu từ 2018), dường như có mẫu số chung thuộc về một tập thể siêu tiêu thụ bậc cao - và chỉ càng cao hơn.
Tổng giá trị xuất khẩu album K-pop năm 2022 là 301 tỉ won (231,4 triệu USD), cao nhất từ trước đến nay, sau bùng nổ trong đại dịch.
K-pop như khuếch trương và kiên quyết một sáng tạo như triệt tiêu mọi sáng tạo nào khác mình, nhưng lạ thay, đặc thù chuyên chú tiêu thụ của nó dường như ít nhiều miễn nhiễm trước những ảnh hưởng từ bầu không khí thông điệp xung đột, dễ bị thao túng đang bủa vây.
Thị trường lưu diễn chật hẹp của thế giới có thêm Blackpink, nghệ sĩ châu Á đầu tiên headline (diễn chính). Nhạc hội Coachella, bên cạnh những con số thu nhập hàng khủng hằng ao ước, những hợp đồng nhãn hàng béo bở.
BTS, đứng trước nguy cơ bị lãng quên khi các thành viên sắp sửa nhập ngũ, vẫn chễm chệ vị thế nhóm K-pop vĩ đại nhất lịch sử, và góp sức triệt để thúc đẩy xuất khẩu văn hóa Hàn Quốc ở nhiều khía cạnh (một báo cáo cho biết, nguồn lợi kinh tế này ở vào mức 3,5 tỉ USD).
BTS và Blackpink tạo ra hàng tỉ lượt view và tương tác trên các mặt phẳng thiết bị điện tử, trên mạng xã hội và bất cứ nơi nào tiêu thụ và thụ hưởng sản phẩm media.
Khi đã chuẩn vị, chuẩn công thức, sản phẩm ra đời thành hằng số (lightstick, một combo fastfood, hay một ly Starbucks), lớp vỏ ngoài muôn hình vạn trạng cứ và sẽ luôn là hình thức.
Những nhóm nhạc mới ra đời, trong sự khắc nghiệt, như thay tiếp những lớp vỏ ngoài trong những kiện xuất khẩu văn hóa đi duy nhất một chiều, những phiên bản đặc biệt giới hạn sớm nở tối tàn.
Những chủ đề trong sáng, ngây thơ, cổ điển, anh chàng hay cô nàng nhà bên giống hơn với những chiếc bẫy hồng đượm mật như để giúp quên đi cuộc sống thực tại của chúng ta, và đôi khi của chính họ, những thần tượng.
Trong bối cảnh hậu - Anh ngữ (khi quá bán nhân loại sử dụng từ hai ngôn ngữ trở lên), K-pop như một món plastic tinh thần bọc láng các sản phẩm tiêu dùng nhanh, lại ngỡ là thiết yếu để gói chứa mọi khía cạnh của xã hội tiêu thụ ráng phủ lên cả thế giới Mỹ hóa.
2. Ở ta, K-pop giống như một dòng nhạc chủ lưu, đặt cạnh USUK (cách đặt tên mặc định loại bỏ tác phẩm và nghệ sĩ thuộc phần còn lại của châu Âu ngoài nước Anh), và Jpop đầy khiêm tốn (mà áp đảo là nhạc từ anime).
Khi được thốt ra, Kpop không vấp phải tranh cãi (càng không nảy lửa) giữa các tập thể nghe nhạc gọi-là với nhau, mà giữa người nghe K-pop và người... không nghe K-pop.
Trong khi đó, sự quan tâm của truyền thông trong nước, giống ít nhiều với thế giới, dành cho K-pop cũng hiển nhiên, ít vấp phản biện hay tranh cãi, ít ra so với các món nhập khẩu văn hóa khác.
Vừa diễn ra, Seen Festival diễn ra tại Hội An với danh sách nghệ sĩ sáng giá, kỳ cựu như Taeyang, aespa, BoA khiến người quan tâm ngạc nhiên vì... chưa đủ đông khách, dù không diễn ra hai thủ phủ K-pop Việt tại Hà Nội và TP.HCM.
Chưa kể, sự kiện âm nhạc thuần ngoại, không bóng dáng bất kỳ nghệ sĩ hạng A trong nước (chẳng hạn 8Wonder có sự tham gia của Charlie Puth tháng 7 tới) dường như thách thức hình dung còn quá sơ khai về khả năng cõng khách, tưới ướt cho du lịch địa phương, khi khách tham gia phải dốc chi phí gấp rất nhiều lần.
Cách đây ít lâu, một nghiên cứu sinh về truyền thông ĐH Nam California (USC), Lee Hye Jin, trong một bài báo, đã cho rằng K-pop nên tiếp tục nhắm đến thị trường Đông Nam Á.
Có lẽ, K-pop vẫn băng trên con đường có lẽ chỉ duy nhất họ chọn, cho mình và cho chúng ta. Sẽ không có một phiên bản K-pop nào khác, kể cả gần giống, dưới nhãn dán nào, hay từ quốc gia nào, trong tương lai.
Còn nhớ tháng 4 năm nay, ông Yoon Suk Yeol chọn American Pie, lý do "(tôi biết) đây là một ca khúc các bạn vô cùng yêu thích" để chiêu đãi người đồng cấp, Tổng thống Biden và khách mời ngay giữa Nhà Trắng. Ông còn đùa, "Kể cả khi chưa từng biết tên tôi, chắc hẳn quý vị đã biết BTS và Blackpink".
Năm 1972, bản American Pie ngót gần 8 phút và những ca từ bí hiểm về thời sự làm mưa gió tại Mỹ và thế giới (chủ yếu là châu Âu), Park Chung Hee đang là tổng thống Hàn, ông Yoon Suk Yeol 12 tuổi, và hai "quốc bảo điện ảnh" Hàn Jang Dong Gun và Bae Yong Joon chào đời.
No comments