Breaking News

Lụa & âm nhạc trắng của Quốc Bảo

Album Lụa của Quốc Bảo

Album Lụa của Quốc Bảo

Cuốn sách khởi sự câu chuyện vào năm 1861, khi nhân vật chính là người buôn tơ Hervé Joncour lần đầu tiên viễn du tới Nhật, và năm 1871 là khi anh tiễn biệt người đã dẫn dắt anh vào thế giới của lụa và những con tằm.

Câu chuyện vẫn còn tiếp diễn sau đó nữa, nhưng thời điểm năm 1871 là khi Joncour tưởng như đang bình tâm sống một cuộc đời đã thôi những mộng ảo, nhưng thực ra còn một bí mật nữa về tình yêu mà anh vẫn chưa nhìn thấu, rằng lá thư từ người phụ nữ Nhật Bản mà anh gìn giữ bấy lâu là do chính vợ mình thảo ra.

Trạng thái tỉnh ngộ một phần, gần chạm đến hư không nhưng vẫn chưa thực tới đích ấy có lẽ là điều mà ta sẽ tìm thấy qua chín ca khúc của Lụa 10 năm, phần lời của mỗi ca khúc là một bóng hình của nỗi khắc khoải nhưng lại đặt trên nền nhạc mênh mênh mang mang từ bộ gõ, âm thanh synthesizer, đôi khi cả bộ dây, có khả năng ru ta vào cõi sâu tỉnh thức (nhạc sĩ Quốc Bảo phát hành riêng một phiên bản instrumental để ta thưởng thức bản phối không có thanh nhạc).

Hàng Ngàn Cánh Chim (Quốc Bảo) | Phạm Hoài Nam - [Lyric Video]

Ở phần nhan đề tiểu thuyết của Baricco, ông có đề cập đến nhạc tính trong tác phẩm của mình, gọi nó là một câu chuyện có "âm nhạc trắng", nghĩa là "khi nhạc được diễn hay, ta tưởng ta đang nghe niềm im lặng tấu lên".

Làm thế nào để Quốc Bảo chuyển dịch sắc trắng ấy vào một album hữu thanh, để khán giả nghe những giai điệu mà như nghe sự trống rỗng? Điều đó chắc hẳn được thể hiện rõ nhất qua hai ca khúc bồng bềnh nhất của album này: Lụa do ca sĩ Trini trình bày và Nơi chân mây cuối trời do Phạm Hoài Nam thể hiện.

Lụa vốn là bài hát cho Hélène, người vợ tận tụy, kiệm lời với những yêu đương vùi chôn của Hervé Joncour. Lời tự tình của một người phụ nữ dệt lụa ở nhà trong lúc ngóng chồng trở về từ bên kia đại dương làm ta nhớ đến cả nàng Penelope, vợ của người hùng Odysseus trong thần thoại Hy Lạp.

Tiếng piano như không như có, trong khi lời hát là sự dệt đan giữa những từ ngữ mỏng manh như "lụa thơm", "dệt giấc mơ", "tơ son", "cơn gió", đối đầu với "cong gãy", "hơi tàn", "xuân cháy". Cái nhẹ bẫng và cái nặng trĩu triệt tiêu lẫn nhau để tạo nên một trạng thái âm nhạc trắng hư vô.

Tương tự với Nơi chân mây cuối trời, bài hát dành cho chuyến du hành xuyên biển của Hervé về đảo quốc Nhật Bản đầy bí ẩn, với tiếng đục trầm của biển cả trong lời hát và phần hiệu ứng âm thanh bản phối hòa quyện vào những hình ảnh về vệt sương, cánh bướm.

So với bản oratorio hoàn chỉnh trước đấy, số ca khúc đã giảm đi một nửa và cũng được sắp đặt theo cách khác, không nương theo dòng chảy của cốt truyện gốc.

Chẳng hạn như album đã đảo ngược lại, bắt đầu bằng Chờ nhé em, tôi về - lời chào từ biệt của Hervé với người vợ Hélène, rồi bài thứ năm mới là Nơi chân mây cuối trời - vốn là hình dung của Hervé về nước Nhật trước khi ra đi.

Việc phân vai cũng không còn rõ nét nữa, vốn trong oratorio, mỗi ca sĩ được phân một nhân vật thì ở đây, đôi khi ca sĩ Trini vào vai người ái thiếp nước Nhật, đôi khi vào vai Hélène.

Sự phi tuyến tính hóa ấy khiến ta càng khó nắm bắt hơn một câu chuyện vốn đã khó nắm bắt, như tấm lụa nhẹ tênh, như cuộc đời không thể kể tuần tự, cũng không thể vờ như có thể kể được. Và chính ở sự phi tuyến tính ấy mà ta nhác thấy màu trắng của âm nhạc.

No comments