Breaking News

Từ video đám cưới đến Liên hoan phim Cannes

Phim Bên trong vỏ kén vàng được quay ở bối cảnh làng quê Việt Nam - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Phim Bên trong vỏ kén vàng được quay ở bối cảnh làng quê Việt Nam - Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Liên hoan phim Cannes 2023 khép lại với giải thưởng cao nhất thuộc về tác phẩm Anatomy of a Fall của điện ảnh Pháp. Nhưng với khán giả Việt Nam, cái tên được nhắc đến nhiều nhất chính là đạo diễn Phạm Thiên Ân - thắng giải Caméra d'or (Camera Vàng) cho phim điện ảnh đầu tay Bên trong vỏ kén vàng.

Nhà làm phim sinh năm 1989 vượt qua nhiều đối thủ đến từ Pháp, Hàn, Nga, Mỹ... để giành chiến thắng. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có đạo diễn được gọi tên ở một hạng mục quan trọng ở Cannes trong vòng 30 năm qua.

Tuy nhiên, hành trình đến với giải thưởng danh giá này của Phạm Thiên Ân không hề dễ dàng. Anh có quãng thời gian dài làm công việc dựng video đám cưới, cảm thấy lạc lõng và cô đơn trong khi ấp ủ tác phẩm đầu tay.

Con đường xin tài trợ từ các quỹ hỗ trợ quốc tế là quá dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn kinh khủng từ các nhà làm phim.
Nhà sản xuất TRẦN THỊ BÍCH NGỌC

7 - 10 năm cho một bộ phim

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, đạo diễn Phạm Thiên Ân cho biết: "Tôi gặp nhiều khó khăn trong quá trình kêu gọi vốn đầu tư phim Bên trong vỏ kén vàng. Tôi phải chỉnh sửa kịch bản rất nhiều lần trong quá trình làm hồ sơ gửi xin các quỹ điện ảnh. Số lần bị từ chối cũng nhiều.

Khoảng thời gian đó kéo dài 3 năm. Một phần cũng do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Ít ai muốn đầu tư vì dự án phim độc lập có nhiều rủi ro".

Trước đó, đạo diễn Phạm Thiên Ân từng thực hiện phim ngắn Hãy tỉnh thức và sẵn sàng, cũng gặp nhiều gian nan để kiếm được nguồn kinh phí.

Anh chia sẻ: "Hồi đó tôi nhận được 200 triệu đồng tài trợ từ Dự án phim ngắn CJ, nhưng cơ bản tôi vẫn phải tự bỏ tiền túi ra thêm 80 triệu đồng nữa cho phần hậu kỳ".

Trước Phạm Thiên Ân, nhiều nhà làm phim độc lập trong nước cũng phải trải qua những hành trình nhọc nhằn để có thể hoàn thành đứa con tinh thần của mình đến với công chúng.

Chẳng hạn, đạo diễn Lan Nguyên với phim tài liệu độc lập Màu cỏ úa - bộ phim về cuộc đời nhạc sĩ Trần Tiến. Phim dài 80 phút nhưng mất tới 5 năm để hoàn thành.

Lan Nguyên từng chia sẻ cô cùng bạn bè thực hiện bộ phim từ 2015 - 2020, với hơn 15 đợt quay. Trong quá trình đó, cô phải nhiều lần tập hợp ê kíp để đi quay theo lịch di chuyển, du ca của nhạc sĩ.

Có lúc, sức khỏe của Trần Tiến không tốt khiến quá trình quay bị chững lại một năm. Trong thời gian đó, Lan Nguyên không liên lạc được với ông. Nhờ nhạc sĩ Dương Thụ khích lệ, đạo diễn vẫn quyết tâm theo đuổi dự án đến cùng.

Trần Thanh Huy mất 7 năm mới hoàn thành phim dài đầu tay Ròm, trên nền tảng là phim ngắn 16h30 (năm 2013). Bên cạnh kinh phí, việc hoàn thành kịch bản cũng là một thử thách anh gửi gắm vào đó nhiều ký ức, trải nghiệm.

Suốt hành trình gian nan, cũng có lúc Trần Thanh Huy mệt mỏi, vấp ngã, nhưng nhờ có sự đồng hành của những người cùng chí hướng, đạo diễn có niềm tin mạnh mẽ rằng dự án sẽ thành công.

Năm 2022, tác phẩm Tro tàn rực rỡ đánh dấu sự trở lại sau 10 năm vắng bóng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên, gây ấn tượng với khán giả yêu thích phim nghệ thuật. Tuy nhiên, để hiện thực hóa dự án này là cả một chặng đường dài với nhiều thử thách.

Đạo diễn tâm sự anh gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm kinh phí, dù nhận tài trợ từ 3 - 4 quỹ hỗ trợ điện ảnh uy tín vẫn chưa đủ tiền làm phim.

Nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc của phim Tro tàn rực rỡ nêu ý kiến với Tuổi Trẻ: "Tôi nghĩ cái thiếu nhất của các nhà làm phim độc lập ở cả Việt Nam và thế giới, chính là thiếu tiền. Vì rõ ràng chúng ta không thiếu những nhà làm phim trẻ tiềm năng.

Ở các nước trong khu vực Đông Nam Á, đa số đều có các quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc gia cho các nhà làm phim độc lập. Nhưng Việt Nam chưa có quỹ đó, nên thời gian để xin được tiền tài trợ rất lâu, chưa kể phải cạnh tranh rất lớn với các nước khác trên thế giới".

Theo chị, con đường xin tài trợ từ các quỹ hỗ trợ quốc tế là con đường quá dài và đòi hỏi sự kiên nhẫn kinh khủng từ các nhà làm phim.

Nếu chỉ dựa vào số tiền tài trợ từ các quỹ hỗ trợ nước ngoài thì khoảng thời gian có thể xin được đủ kinh phí rơi vào khoảng 7 năm, và hiếm người nào có thể đủ sự kiên nhẫn để chờ đợi trong khoảng thời gian đó. Áp lực về mặt cơm áo gạo tiền dễ khiến các nhà làm phim bị xao nhãng.

Chị Trần Thị Bích Ngọc phân tích thêm rằng, kể cả khi dự án đã có đủ tiền, Việt Nam vẫn thiếu quy trình và đội ngũ chuyên nghiệp để hỗ trợ đạo diễn. Cách làm phim trong nước hiện giờ vẫn trên "tinh thần làng xã", giúp đỡ nhau chứ chưa có quy chuẩn rõ ràng.

Phải thật lì lợm

Trong sự kiện Sunday Talk: Con đường làm phim độc lập gần đây, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết: "Với một đạo diễn, dự án đầu tay rất quan trọng. Chỉ sau khi có dự án đầu tiên thành công, những dự án sau mới kêu gọi được kinh phí và hoàn thành nhanh hơn".

Anh tiết lộ với Tuổi Trẻ mức kinh phí trung bình để sản xuất một phim điện ảnh độc lập trong khoảng 8 - 12 tỉ đồng. Riêng dự án Thưa mẹ con đi, đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh cho biết các thành phần chính trong ê kíp sáng tạo phim đã không nhận cát sê để hoàn thành tác phẩm.

Đạo diễn cũng nhắc nhở các nhà làm phim trẻ rằng để có thể trải qua hành trình gian nan làm phim độc lập, bạn phải biết rõ mình thực sự muốn điều gì. Bạn phải kiên quyết đấu tranh cho dự án và tìm ra những phương thức thực hiện phù hợp.

Khi lên trường quay, đừng bao giờ tỏ ra sợ hãi. Đừng bao giờ để sự hoài nghi diễn ra trên set quay dù bạn có đang gặp bao nhiêu vấn đề ở hậu trường đi chăng nữa.

"Hãy luôn lì lợm. Đừng cố bắt chước một ai đó và làm những thứ không phải là của mình. Một lúc nào đó cơ hội sẽ đến với bạn khi bạn có sự chuẩn bị kỹ càng", anh nhấn mạnh.

Hơn 8 tỉ đồng cho ước mơ làm phim

Theo đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh, thường quá trình chuẩn bị cho dự án đầu tay của đạo diễn mới có thể kéo dài 3, 4 năm, thậm chí có người 10 năm. Kinh phí khoảng từ 8 - 12 tỉ đồng.

Người Việt mình không hổ thẹn ở CannesNgười Việt mình không hổ thẹn ở Cannes

Trở về từ Liên hoan phim Cannes, nhà sản xuất Hoàng Quân viết: 'Sau hàng chục năm kể từ khi những bộ phim đầu tiên của điện ảnh Việt được mời dự Cannes, tôi thấy người Việt chúng ta đã đến đây với tâm thế hoàn toàn khác'.

No comments