Người làm phim Việt tiếc nhìn Thái Lan thu triệu đô từ điện ảnh
"Đọc tin đó tôi chỉ có thể nói rằng tiếc và xót cho Việt Nam" - nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, với kinh nghiệm tham gia nhiều đoàn phim quốc tế tại Việt Nam, nói với Tuổi Trẻ về thông tin Thái Lan thu 52 triệu USD.
Còn ông Bùi Hoài Sơn, ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, nhận định:
"Tin tức này khiến chúng ta vừa ngưỡng mộ nước bạn vừa sốt ruột cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà, đặc biệt là sau khi Luật Điện ảnh (sửa đổi) vừa được ban hành tạo hành lang thông thoáng cho sự phát triển điện ảnh nói chung, hợp tác làm phim với nước ngoài nói riêng".
Tiếc và xót
Con số 52 triệu USD (hơn 1.226 tỉ đồng), trong mắt nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc, là chưa thể hiện hết mối lợi mà Thái Lan thu về nhờ làm phim trường quốc tế.
Theo thông tin từ bạn bè ngành phim của chị Ngọc ở Thái Lan, nước này có thể thu hơn 100 triệu USD (hơn 2.350 tỉ đồng, theo thống kê chưa đầy đủ) mỗi năm từ hoạt động này.
Nhưng lợi ích lớn và lâu dài hơn còn nằm ở yếu tố giúp cho đội ngũ làm phim bản địa của Thái Lan luôn tiệm cận trình độ quốc tế. Chính trình độ ấy sẽ là nền tảng cho một nền điện ảnh vững mạnh.
Ngoài việc mở rộng cửa đón các đoàn phim từ cả thế giới, Thái Lan còn có nhiều chính sách ưu đãi.
Theo ông Bùi Hoài Sơn, Thái Lan đã đi trước chúng ta ở nhiều ưu đãi đối với dịch vụ làm phim nước ngoài.
Điều quan trọng là họ có những quy định hết sức cụ thể, có thể đọc và hiểu được ngay, vận dụng được luôn.
Chẳng hạn, từ năm 2011, Chính phủ Thái Lan thông qua chính sách cho phép diễn viên nước ngoài tham gia quay phim ở Thái Lan được miễn thuế thu nhập, hoàn 30% tiền mặt cho các hãng phim nước ngoài chi tiêu 50 - 100 triệu baht để sản xuất phim tại Thái Lan, hoàn tiền mặt tương đương 15% trên mỗi 50 triệu baht (1,5 triệu USD) mà các đoàn làm phim nước ngoài chi tiêu để quay phim tại Thái Lan.
Mức hoàn tiền mặt sẽ tăng thêm 5% nếu các hãng phim nước ngoài thuê nhân viên người Thái Lan, đặc biệt là các vị trí quan trọng liên quan đến sáng tạo (như nhạc sĩ, họa sĩ, thiết kế phục trang...).
Hoặc cũng nhận được thêm 5% nếu phim quảng bá văn hóa Thái Lan hay quay phim ở các tỉnh du lịch ít tên tuổi hơn.
Khoản hoàn tiền mặt cho các hãng phim nước ngoài được giới hạn tối đa ở mức 75 triệu baht. Đến nay, những ưu đãi này còn được nâng cao hơn nữa.
Bà Rachada Dhnadirek, phó phát ngôn viên Chính phủ Thái Lan, từng khẳng định với Bangkok Post rằng đây là những bước tiến nhằm củng cố "sức mạnh mềm" của Thái Lan như một phim trường quốc tế ở khu vực Đông Nam Á.
Theo nhà sản xuất phim Trần Thị Bích Ngọc, nhìn từ thực tế các đoàn phim quốc tế tại Việt Nam mà chị từng tham gia hoặc biết đến, Việt Nam cũng có các nhân sự đảm trách những công việc quan trọng trong các đoàn phim nước ngoài lớn như Đông Dương (Indochine), Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American).
Tuy nhiên, gần đây nhân sự người Việt hầu như chỉ làm những công việc bưng bê phụ trợ. Có những đoàn phim quốc tế đến Việt Nam khảo sát nhiều lần, khi khảo sát họ sử dụng nhân sự Việt.
Vậy mà đến khi chính thức quay phim, họ mang sang khoảng 300 nhân sự từ Thái Lan, thậm chí có đoàn phim còn mang kế toán từ Thái Lan để đảm bảo trình độ, sự ăn khớp.
Đến Tom Cruise cũng "bó tay"
Ông Bùi Hoài Sơn lấy ví dụ những cơ hội bị bỏ lỡ với các tên tuổi lớn như Tom Cruise, Hãng phim Marvel và đạo diễn Oliver Stone.
Cách đây 5 năm, tài tử nổi tiếng thế giới Tom Cruise muốn đến Hội An quay một cảnh phim có chi tiết đuổi bắt trên nóc các ngôi nhà cổ.
Nhà chức trách phía Việt Nam đòi hỏi có kịch bản. Phía Tom Cruise nói không có, chỉ có ý tưởng, cốt truyện như vậy. Thế là bộ phim không có cách nào được quay ở Việt Nam.
Hãng Marvel cũng từng định quay một cảnh flycam cho một phim siêu anh hùng ở Việt Nam. Phía Việt Nam cũng đề nghị có kịch bản, hai bên không nhất trí được dẫn đến ý định này không thành.
Bên cạnh đó còn nhiều rắc rối liên quan đến các thiết bị tạm nhập, tái xuất để phục vụ các cảnh quay ở Việt Nam khác.
Còn Oliver Stone, đạo diễn hai bộ phim đoạt giải Oscar là Sinh ngày mùng 4 tháng 7 (Born on the Fourth of July) và Trung đội (Platoon), từng muốn sang Việt Nam làm phim Trời và Đất (Heaven & Earth).
Năm 1992, khi làm việc với lãnh đạo Bộ Văn hóa - Thông tin, Oliver Stone đưa ra kịch bản chi tiết, lãnh đạo bộ lúc đó đề nghị sửa kịch bản trong đó có chi tiết "nhạy cảm" nhưng Oliver Stone từ chối. Và kết quả là phim không quay ở Việt Nam mà quay ở Bangkok và Phuket của Thái Lan.
Đưa ra các ví dụ đó trong quá khứ, ông Sơn nhấn mạnh Luật Điện ảnh hiện hành của Việt Nam đã dành riêng điều 41 để quy định về chế độ ưu đãi đối với tổ chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim tại Việt Nam.
Theo đó, các tổ chức này được ưu đãi về thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Đồng thời chúng ta cũng cởi mở hơn trong các điều kiện trong điều 13 về hoạt động sản xuất phim tại Việt Nam, nhất là ở thủ tục cấp phép và chỉ cần cung cấp kịch bản tóm tắt, kịch bản chi tiết các cảnh quay ở Việt Nam.
"Như vậy, so với Thái Lan, các ưu đãi của Việt Nam chưa được cụ thể trong Luật Điện ảnh (sửa đổi) và cần có quy định chi tiết ở các luật khác, nhất là Luật Thuế, để có thể đi được vào thực tiễn cuộc sống.
Tôi hy vọng rằng khi chúng ta sửa các văn bản pháp luật có liên quan như thuế, đất đai, quản lý sử dụng tài sản công, đối tác công tư, những vấn đề liên quan đến văn hóa, nghệ thuật nói chung, điện ảnh nói riêng, hay cụ thể hơn nữa là hợp tác làm phim với nước ngoài sẽ được thể hiện một cách cụ thể, từ đó tạo môi trường thông thoáng để chúng ta có thể làm được như Thái Lan khi thúc đẩy hoạt động này tạo động lực phát triển đất nước", ông Sơn nêu ý kiến.
Chênh lệch quá lớn giữa Thái Lan - Việt Nam
Nếu tính riêng nửa đầu năm 2023, Thái Lan có 222 phim nước ngoài quay tại đây. Với Việt Nam, con số là 280 phim cho... 12 năm.
Cụ thể, vào năm 2019, theo báo cáo Tổng kết 12 năm thi hành Luật Điện ảnh, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch cho biết từ năm 2007 - 2018 có gần 280 dự án làm phim hợp tác, cung cấp dịch vụ và phim có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam.
Tuy nhiên đa số là phim tài liệu, phim ngắn và phim có ngân sách thấp hoặc thời gian thực hiện tại Việt Nam ngắn.
Học hỏi nhiều khi đóng phim quốc tế
Quinn Trúc Trần, đóng vai cô em họ của nam chính trong phim A Tourist's Guide to Love (phim Mỹ quay tại Việt Nam, quảng bá du lịch Việt Nam và đứng top 1 Netflix vừa qua), chia sẻ:
"Khi làm việc cùng đoàn phim A Tourist's Guide to Love, tôi học được cách làm việc nghiêm túc, chuyên nghiệp trong từng chuyện nhỏ nhất như tuyệt đối đúng giờ. Diễn viên khởi động trước khi ngồi vào bàn cùng đọc kịch bản, giữ năng lượng và chuẩn bị trên set... Chuyên nghiệp nhưng mọi người vẫn rất thân thiện, hòa đồng.
Tôi nghĩ diễn viên sẽ được trải nghiệm nhiều khi tham gia các phim nước ngoài. Nếu trong tương lai có các phim khác quay tại Việt Nam, tôi cho rằng phải có bản lĩnh và sự tự tin nhất định để tìm kiếm cơ hội. Còn mình có được chọn hay không là tùy duyên".
No comments